Nhận xét Trần_Dân_Tiên

Sophie Quinn-Judge, trong cuốn Ho Chi Minh: The Missing Years, đánh giá quyển Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch như sau:

While it is based on fact, its omissions, embellishments, and insistence on Ho Chi Minh's proletarian virtue made it an element in the construction of his myth rather than a serious record."[9]
Tạm dịch: Trong khi nó được dựa trên sự thật, những điều nó bỏ qua, tô đậm thêm, và việc nó kiên quyết khẳng định phẩm chất vô sản của Hồ Chí Minh đã biến nó thành một yếu tố tạo ra huyền thoại về ông hơn là một ghi chép nghiêm túc.

Trong khi đó, William J. Duiker, trong cuốn tiểu sử Ho Chi Minh: A Life, cho rằng việc Hồ Chí Minh dùng nhiều bút danh hoặc tên giả khi viết tự truyện và các bài báo trong suốt hàng chục năm là một trong các khó khăn về tư liệu tiểu sử đối với người định viết sách về ông[7].

Nhà sử học Olga Dror, chuyên gia lịch sử Đông Á và Việt Nam thời cận đại, cho rằng dù quyển Những mẩu chuyện là do chính Hồ Chí Minh viết hay chỉ được ông chấp thuận cho xuất bản, tác phẩm đã cho thấy ông có vai trò quan trọng trong việc tạo ra hình ảnh về chính mình.[19] Bà cho rằng tác phẩm có đầy rẫy mâu thuẫn về thứ tự thời gian. Một ví dụ là khi ông Nam thuật lại chuyện gặp Hồ Chí Minh khi ở Anh rất ấn tượng khi Hồ Chí Minh tỏ ra cảm động khi đọc một bài báo về một ông "Thị trưởng Cook" người Ireland đã tuyệt thực mà chết. Sau đó Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Hồ Chí Minh rời Luân Đôn đi Paris, và ông Nam cảm thấy lo lắng khi quân Đức tiến đến sông Marne. Hai tháng sau Hồ Chí Minh đã gửi thư đến ông Nam kể việc gặp mặt Phan Châu Trinh. Theo các sự kiện lịch sử thì có thể suy ra theo lời kể của ông Nam thì Hồ Chí Minh rời Luân Đôn giữa tháng 7 và tháng 9 năm 1914. Tuy nhiên, theo Dror thì nhà ái quốc Ireland mà Hồ Chí Minh ngưỡng mộ (Terence Joseph MacSwiney, thị trưởng Cork) bị bắt và chết trong tù vào tháng 10 năm 1920, hơn 6 năm sau cuộc gặp gỡ giữa ông Nam và Hồ Chí Minh và sau luôn khi cuộc chiến kết thúc.[20] Ngay cả khi Trần Dân Tiên kể chuyện cũng có mâu thuẫn: theo truyện kể thì có thể suy ra Hồ Chí Minh đến Petrograd vào ngày 19 tháng 1 năm 1924 và đến Quảng Châu vào cuối tháng 6 cùng năm, ở lại Liên Xô chỉ vỏn vẹn 5 tháng, không đủ để thăm Petrograd rồi Mosvka, rồi tìm hiểu về đất nước này rồi thăm Lăng Lenin (hoàn tất năm 1930) như đã thuật lại trong truyện.[21] Theo bà, Những mẩu chuyện có thể được hiểu như một văn bản tôn giáo, một cẩm nang để cảm nhận và miêu tả Hồ Chí Minh, cũng như đặt nền móng cho sự sùng bái ông.[22]